Nhận biết và xử lý khi bị kiến ba khoang đốt

Nhận biết và xử lý khi bị kiến ba khoang đốt

Mùa mưa là thời điểm mà kiến ba khoang xuất hiện với tần suất dày đặc gây ám ảnh cho con người. Bởi lẽ đây là loại côn trùng gây nên cảm giác đau đớn cho con người khi bị chúng đốt phải. Nghiêm trọng hơn nếu những vết đốt không được xử lý kịp thời dễ gây nên những ca biến chứng nặng. Dưới đây là một vài biểu hiện và cách xử lý khi bị kiến ba khoang đốt. 

Kiến ba khoang nguy hiểm như thế nào?

Kiến ba khoang (hoặc còn gọi là kiến bắp cày) được nhận biết với hình dáng thon dài, thân màu cam đậm và phần đầu, bụng, đuôi lại có màu đen. Kiến ba khoang không thuộc vào nhóm kiến có độc như kiến độc, nhưng chúng có thể gây ra một số tình huống không thoải mái và có hại cho con người. Điều này là do bên trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin. Pederin là chất có độc tính rất mạnh, mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ. loại độc này không gây tử vong vì lượng chất độc nhỏ và chỉ tiếp xúc ở ngoài da. Tuy nhiên, khi bị đốt cũng gây ra cảm giác khó chịu, châm chích một thời gian. 

Những biểu hiện chính khi bị kiến ba khoang đốt

Vết thương do kiến ba khoang gây ra mang khá nhiều điểm đặc trưng. Dưới đây là một vài biểu hiện cho thấy bạn đã bị kiến ba khoang cắn.

  • Bề mặt da có cảm giác râm ran và có vệt nhỏ.
  • Nổi mẩn đỏ và ngứa: Sau 6 đến 8 giờ vùng bị kiến ba khoang cắn sẽ nổi mẩn đỏ và gây ngứa.
  • Sưng đau và phồng rộp: 12 đến 24 giờ tiếp theo chỗ bị đốt sẽ sưng phồng và mang đến cảm giác đau đớn. Đây chính là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước vết cắn của kiến ba khoang.
  • Vết thương đỡ bỏng rát và bong vảy: Khoảng 3 ngày sau vết thương sẽ bớt đau và đóng bảy. Vết thương hở có thể gây nhiễm trùng. Do đó giai đoạn này bạn nên tránh cạo vết thương bằng móng tay hoặc các đồ vật không sạch, tránh đặt vết thương vào miệng, mắt, hoặc vùng nhạy cảm khác của cơ thể để tránh nhiễm trùng.
  • Bong vảy: Sau 5 đến bảy ngày vết thương bị cắn sẽ bong vảy. Tuy nhiên vết thâm sẹo sẽ kéo dài nhiều tháng mới hết, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Cách xử lý khi bị kiến ba khoang đốt:

Đồng ý rằng bị kiến ba khoang đốt tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng những cảm giác đau đớn mà nó gây ra không dễ chịu gì. Do đó, để tránh bị loại côn trùng này cắn và gây ra những bất tiện cho cơ thể, dưới đây là một vài cách xử lý khi bị đốt.

Khi tiếp xúc hoặc nghi ngờ có tiếp xúc với kiến ba khoang

Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế thì khi phát hiện kiến ba khoang bám lên bề mặt da, quần áo hay khu vực gần người thì điều tuyệt đối không nên làm là dùng tay không bắt, chà xát, giết chúng. Kiến ba khoang sẽ không chủ động đốt hay cắn người. Do đó hành động bắt lên sẽ được chúng xem là hành vi tấn công và cắn là hành động tự vệ của chúng.

Vậy cách làm đúng trong trường hợp này chính là dùng khăn giấy hoặc bao tay để bắt chúng hoặc đơn giản hơn là thổi chúng ra khỏi cơ thể. Nhớ rằng sau khi đã loại bỏ được kiến ra khỏi người cần ngay lập tức rửa sạch vùng da tiếp xúc.

Khi đã dùng tay đập hoặc chà xát trên da

Lời khuyên là không được gãi hoặc cạo vùng bị cắn. Điều này có thể làm tổn thương da và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đồng thời sử dụng nước ấm và xà phòng nhẹ để rửa vùng bị cắn giúp loại bỏ các vi khuẩn tiềm ẩn và giảm ngứa. Rửa nhẹ và nhớ rửa kỹ tay trước và sau khi chạm vào vùng bị cắn. Lưu ý là không đưa tay đã tiếp xúc với nọc độc của kiến chạm vào các vùng da khác vì có thể gây lây lan tình trạng viêm da.

Sử dụng kem chống ngứa hoặc kem được chỉ dẫn bởi người có chuyên môn. Những loại kem này có thể giúp giảm ngứa và sưng. Chú ý tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và hướng dẫn của sản phẩm và không sử dụng quá liều.

Nếu triệu chứng trở nên nghiêm trọng, ví dụ như phát ban nổi mẩn rộ, khó thở, hoặc bị sưng quá mức, bạn nên tìm đến bác sĩ ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng nặng và cần đặc trị.

Để đề phòng bị kiến ba khoang cắn, người dân nên dọn dẹp sạch sẽ nơi sinh sống, làm việc và học tập. Sử dụng các biện pháp phòng chống như đóng kín cửa khi bật đèn, ngủ trong màn và giặt giũ chăn gối, khăn lau trước khi sử dụng. 

Hi vọng thông qua bài viết này bạn có thể hiểu được những biểu hiện và cách xử lý khi không may bị kiến ba khoang cắn. Nếu có bất cứ biểu hiện, triệu chứng nào như kể trên. Đừng lo lắng mà hãy bình tĩnh và xử lý theo những cách mà chúng tôi đã gợi ý. Trong trường hợp còn vấn đề gì khác cần tìm hiểu, các bạn có thể liên hệ với trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh để được hỗ trợ sớm nhất.

Thông tin liên hệ:

TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH HÀ TĨNH 

Địa chỉ: Số 229, Đ. Nguyễn Huy Tự, TP. Hà Tĩnh, Tỉnh Hà Tĩnh  

Hotline: 0239 3856 661

Website: http://soyte.hatinh.gov.vn/

Fanpage: Sức khỏe người Hà Tĩnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *